Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014


"Sông có cây cầu, sông trở thành lãng mạn. Người có cây cầu, người thêm bè bạn". Nhà thơ Bùi Công Minh, gần 10 năm trước đã có câu thơ đẹp như thế, trong “Sông Hàn tuổi Mười Tám - bài 2”. Mới đây, khi gặp hai cô gái đến từ xứ sở hoa tuy-líp xinh đẹp, tôi mới hiểu hết những gì nhà thơ muốn nói...

Lãng mạn Hà Lan trên đất Đà Nẵng
Gặp nhau lần đầu trong bữa tất niên năm rồi ở nhà một người bạn trên Hòa Nhơn, giờ gặp lại ở công viên Phạm Văn Đồng, cả hai còn nhận ra tôi. Hôm đó, anh bạn vẽ tặng hai cô bức tranh ký họa hoa tuy-líp, biểu tượng của đất nước Hà Lan quê hương các cô. Rianne Vos và Angela van der Velden là sinh viên khoa Quản lý Du lịch tại Trường Đại học Khoa học Ứng dụng NHTV Breda - Hà Lan (NHTV Breda University of Applied Sciences). Đầu tháng 1-2010, các cô đến Đà Nẵng thực tập công tác quản lý điểm đến tại Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, được hai người bạn Việt là Nguyễn Thị Quý và Nguyễn Thị Tuyết Mai đang công tác tại đây đưa đi giới thiệu các địa chỉ du lịch.
Rianne hai lần đi du lịch châu Á, cảm thấy bị cuốn hút bởi nền văn hóa ASEAN. Cô mong sớm có một ngày được đến Việt Nam để khám phá bí ẩn của nền văn hóa bản địa tại một nơi mà du lịch chưa phát triển với mọi giá nhưng lại có nhiều tiềm năng chưa khai thác hết. Và, cô chọn Đà Nẵng. Angela thì, từ khi biết Đà Nẵng là một thành phố “nguyên chất”, “trong lành” (“a pure city” trong nguyên văn), cô cảm thấy có thể trải nghiệm nền văn hóa châu Á ở đây một cách đầy đủ nhất. Cô nghĩ rằng, đây sẽ là cơ hội tốt để cô có thể tìm hiểu về công tác xúc tiến du lịch và phát triển điểm đến trong một nền văn hóa xa lạ.

Lên Bà Nà, du khách sẽ cảm nhận được cái cảm giác như đi lạc trong mây và sương khói.

Hơn một tháng ở Đà Nẵng, các cô đã khám phá thành phố dưới nhiều góc cạnh. Rianne say mê biển: “Tôi nghĩ rằng bãi biển Đà Nẵng không chê vào đâu được, người dân biết chăm sóc, bảo vệ để nước biển xanh trong, bãi cát mềm và sạch đẹp”. Angela thì bị hút hồn trước vẻ hoang dã của rừng núi: “Sơn Trà là một điểm đến du lịch tuyệt vời với rất nhiều tiềm năng. Đây là một không gian xanh tuyệt đẹp để con người có thể thoát ra khỏi thành phố bận rộn”. Với các cô, vẻ nguyên sơ, sự hoang dã của cảnh quan thiên nhiên là một vốn quý mà bất cứ một thành phố nào trên thế giới cũng đều mơ ước. Hôm về dự tất niên nhà bạn Quý trên Hòa Nhơn, các cô cứ mãi dõi mắt nhìn những cánh đồng lúa: Tuyệt quá, chỉ rời phố mấy phút là đã tới thôn quê!

Các cô có hai bạn học đang thực tập ở Trung tâm Xúc tiến du lịch thành phố Đà Nẵng và hai bạn khác thực tập ngoài Hà Nội. Cuối tuần này, cả hai sẽ ra Hà Nội thăm bạn rồi quay lại Đà Nẵng để kịp xem thi bắn pháo hoa Quốc tế. Càng lưu trú lâu ngày với Việt Nam, với Đà Nẵng, các cô càng cảm thấy gần gũi, thân thiện với đất và người nơi này. Các cô từng thuê xe máy, xem bản đồ, đưa nhau mạo hiểm ra Huế bằng đường đèo Hải Vân để tận mắt thưởng ngoạn “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” và ngắm toàn cảnh vịnh Đà Nẵng dưới nắng xuân. Angela cười với ánh mắt giấu sau cặp mắt kiếng: Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được cảm giác yêu đời pha chút lãng mạn khi dừng chân trên đó.

Đèo Hải Vân được mệnh danh "Thiên hạ đệ nhất hùng quan"

Đỉnh núi và cây cầu

Cũng ở đỉnh đèo nức tiếng này, nhà nhiếp ảnh Phan Ngọc Hợi đã có những kỷ niệm khó quên. Hai năm trước, anh cùng với nhà nhiếp ảnh Ông Văn Sinh tha thẩn hết nửa ngày trời, leo lên đỉnh núi phía Tây chụp toàn cảnh đỉnh phía Đông, nơi có cửa hùng quan. Lên tới đỉnh đã khó, xuống càng khó hơn, phải thả ngược hai chân xuống trước. Nhưng rồi, mọi vất vả đã được đền bù: Anh đã có được tấm ảnh Hải Vân “để đời” với đường đèo hiện ra như một cánh cò bay, xa xa chếch về bên phải là bán đảo Sơn Trà. Nhiều người cứ nghĩ là anh chụp nó từ trên máy bay. Hôm đó, tình cờ có một đoàn xe đám cưới từ Đà Nẵng ra Huế lọt vào ống kính, làm cho bức ảnh thêm chất thơ. Từ vị trí này, anh quay về hướng nội thành Đà Nẵng, thu cả một vùng vịnh xanh như chiếc đĩa bay vào ống kính.

Bãi biển Mỹ Khê có chiều dài khoảng chừng 900m, thuộc vào loại nhộn nhịp nhất trong số các bãi tắm của Đà Nẵng

Những tấm ảnh ưng ý của anh trên đỉnh Hải Vân ấy sẽ có mặt trong triển lãm “Nhịp thời gian” tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố, khai mạc vào 25 tháng 3 này. 125 ảnh chắt lọc sau 30 năm cầm máy, trong đó hơn 1/3 số ảnh anh dành “Tình yêu và nỗi nhớ” cho riêng Đà Nẵng. Anh bảo, người nghệ sĩ muốn yêu và nhớ Đà Nẵng, ít nhất phải biết nhìn và cảm nhận Đà Nẵng trên bốn đỉnh: Hải Vân, Bà Nà, Sơn Trà và Ngũ Hành. Mỗi nơi một vẻ đẹp, mỗi mùa một sắc thái. Sau bão số 9 năm ngoái, anh Hợi đã ghi lại một hình ảnh tương phản khi đứng trên đỉnh Sơn Trà: vịnh Đà Nẵng xanh trong bình yên trong khi dòng Hàn ngầu đỏ bão tố len lỏi qua những dãy phố.

Đà Nẵng là thế, bao giờ cũng cất giấu trong thanh bình tưởng chừng yên phận của mình một sự bùng nổ, bứt phá ngoạn mục để làm mới mình trên đà phát triển của thời đại. Điều này, nhà thơ Bùi Công Minh ví như “Nhịp cầu quay một thoáng cắt rời/ Rồi một thoáng khép cây cầu liền lại”. Anh bảo, con người cũng vậy, có khi cãi nhau ào ào đến quay lưng giấu mặt, nhưng khi hiểu nhau rồi thì sống chết cùng nhau làm cho được việc, “Như khát vọng đôi bờ mãi mãi/ Nối những cuộc đời, nối những vòng tay”. Vì thế, theo anh, nói đến vẻ đẹp Đà Nẵng, là phải nói đến vẻ đẹp Tình người, vượt lên trên phố phường núi non sông biển.

Phan Ngọc Hợi nói đến cái sự lãng mạn, bay bổng của nghệ sĩ khi đứng trên 4 đỉnh núi, người viết nghĩ rằng, còn có một “đỉnh” nữa ở ngay lòng người. Khi nghệ sĩ yêu một nơi nào đó lên tới tuyệt đỉnh chính là lúc có thể trải lòng hòa nhập với đất trời để cảm xúc thẩm mỹ thăng hoa thành tác phẩm nghệ thuật. Đó cũng là những cây-cầu-nghệ-thuật, trong cái nhìn rất thơ của Bùi Công Minh, Sông có cây cầu, sông trở thành lãng mạn/ Người có cây cầu, người thêm bè bạn/ Câu hát có cây cầu, câu hát vút xa khơi... Điều này thì tôi biết chắc, hai cô gái Hà Lan đang tập mấy bài hát về Đà Nẵng để có thể ngâm nga khi quay về lại quê nhà.

Theo Báo Đà Nẵng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Design by VNCIT