Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

1. Tuyến sinh thái Suối Mơ – Thác Tóc tiên – Hồ Thùy Dương (800m):


Khởi hành từ Ga Suối Mơ, men theo con đường sinh thái được lót đá chẻ, du khách sẽ tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp quyến rũ của núi rừng Bà Nà, ngoài ngọn thác chín tầng tên gọi Tóc Tiên còn ẩn chứa trong nó rất nhiều các huyền thoại làm say đắm lòng người, du khách còn được thả hồn cùng thiên nhiên hoang dã (có tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim kêu, tiếng khỉ gọi bầy, có tiếng xào xạc của lá rừng, có mùi hương ngai ngái của đất, mùi thơm dìu dịu của các loại hoa…).




2. Tuyến sinh thái Bynight - Chim Khướu - Hòn Đá Chồng - Miếu Bà (800m)


Khởi hành từ khu nghỉ mát Bà Nà Bynight nơi đầu tiên du khách sẽ gặp là Biệt thự Hoàng Gia và khu vườn Tịnh Tâm với những ngôi nhà cổ kính phủ đầy rêu phong. Men theo đường mòn là thảm thực vật vô cùng phong phú, đa dạng
Đây là nơi cư trú của rất nhiều loài chim như: Bách Thanh, Vàng Anh, Tu Hú,… đặc biệt nhất vẫn là tiếng hót của loài Chim Khướu với những bản hợp xướng đa âm làm ta liên tưởng như đang đứng giữa vườn chim lúc trưa hè. Tiếp đến du khách sẽ ngắm nhìn thung lũng Hoa, nơi xưa kia có rất nhiều loài hoa rừng đẹp. Bên cạnh là dòng suối Hoa, nghe đâu đây tiếng gáy của những chú gà rừng. Ở đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng Hòn Đá Chồng với 3 khối đá chồng lên nhau làm ta nhớ đến triết lý Tam Tài của người Phương Đông (Thiên, Địa, Nhân). Điểm cuối cùng du khách sẽ viếng thăm Miếu Bà, được xây dựng năm 1931 với mục đích thờ Bà Chúa núi (Bà chúa Thượng Ngàn) mong bà che chở và cứu giúp

3. Tuyến Núi Chúa - Thung lũng Vàng - Đồi Vọng Nguyệt. (3.500m)

Đầu tiên chúng ta sẽ chinh phục đỉnh Núi Chúa-có độ cao 1487m so với mặt nước biển, quan sát toàn cảnh thành phố Đà Nẵng từ trên cao. Bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân, vịnh Đà Nẵng, Ngũ Hành Sơn, xa xa là Sông Thu Bồn, Phố Cổ Hội An, đảo Cù Lao Chàm, tất cả như thu vào trong mắt bạn.
Men theo đường mòn sinh thái là Cầu treo Bà Nà và những ngôi biệt thự cổ còn lại dấu tích như: biệt thự Morin, biệt thự Beison… nghe đâu đây có khu vườn cây Gia Long, xưa kia là nơi ẩn náu khi bị nghĩa quân Tây Sơn vây hãm...

4. Tuyến sinh thái Suối Nai - Thác Cầu Vồng (300m)

Từ Trung tâm Bà Nà du khách theo đường mòn cũ của Pháp khoảng 300m đến với ngọn thác cao 12m, dựng đứng, nước từ trên cao đổ xuống như những dải lụa trắng xoá mát lạnh. Có lẽ không có liệu pháp nào xoá bỏ nỗi vất vả và mệt nhọc nhanh bằng ngồi dưới dòng thác này. Khi ánh nắng mặt trời xuyên qua tán rừng thưa lá chiếu xuống dòng thác hiện lên 7 màu sắc của cầu vồng lung linh huyền ảo. Dưới chân thác là dòng suối đẹp mà hai bên bờ cát có in hình dấu chân của những chú nai vàng ngơ ngác xuống uống nước vào những buổi hoàng hôn. 







5. Tuyến khám phá Vòng quanh núi Chúa (300m):

Cuối cùng du khách sẽ chinh phục đỉnh Núi Chúa-có độ cao 1487m so với mặt nước biển, quan sát chiêm ngưỡng thành phố Đà Nẵng từ trên cao. Bán đảo Sơn trà, đèo Hải Vân, vịnh Đà Nẵng, Ngũ Hành Sơn, xa xa là Sông Thu Bồn, Phố Cổ Hội An, đảo Cù Lao Chàm, tất cả như thu vào trong mắt bạn. Phó ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Trung Quốc, Vương Gia Thụy, khi đến đây đã thốt lên “Cảnh đẹp như tranh vẽ, thật là tuyệt”.
Ngược thời gian về giữa thế kỷ thứ 18, khi nơi đây được xem như là một trong những địa danh lịch sử, nơi chúa Nguyễn Ánh (sau này là Vua Gia Long) đã từng bị quân Tây Sơn vây hãm và cũng chính nơi đây là căn cứ địa giúp Chúa Nguyễn Phúc Ánh chiêu tập binh mã kéo về phục hưng triều Nguyễn tại Phú Xuân, lập ra Triều Nguyễn niên hiệu Gia Long, thống nhất giang sơn, chấm dứt hàng trăm năm đất nước bị chia cắt.
Rời đỉnh núi Chúa, du khách men theo tuyến đường sinh thái được lát gạch gốm để tham quan các Biệt thự Pháp cổ được xây dựng từ những năm đầu của thế ký 20 và bị sói mòn bởi Thời gian và con người của một thời chiến tranh Ái quốc, nay còn xót lại các nền nhà cùng những cây cột trụ cái tròn, cái vuông… thật là ấn tượng.
Hiện thực hóa ý tưởng “tái hiện” một làng Pháp cổ kính mang phong vị của thế kỷ XX do chính các kiến trúc sư bậc thầy người Pháp thiết kế, Bà Nà Hills đang tiến hành xây dựng một lâu đài kiểu Pháp nguy nga ẩn mình trong cảnh quan thiên nhiên tuyệt sắc của bạt ngàn rừng nguyên sinh kì vĩ với khí hậu bốn mùa trong một ngày.




“Dạo bước trong ngôi làng này, du khách sẽ được “sống lại” trong không khí của khu nghỉ dưỡng Bà Nà xưa vào đầu thế kỷ XX - một trong những thiên đường nghỉ dưỡng lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, từng sánh ngang với các khu nghỉ dưỡng khác như Le Bockr (Campuchia), Cap Saint Jacques (Vũng Tàu), Tam Đảo, Sa Pa, Đà Lạt…”
Được xây dựng trên diện tích 6 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 70 triệu USD, dự án đã bắt đầu khởi công vào tháng 5 năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Với sự tư vấn của các tập đoàn lớn trên thế giới về kiến trúc, khách sạn như Falcon’s Treehouse, Accor, Hostasia… Làng Pháp sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo cho những ai đam mê khám phá kiến trúc cổ châu Âu và mong muốn tận hưởng các dịch vụ đẳng cấp nhất. 

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014


Dù không khí bên ngoài ồn ào, nhộn nhịp nhưng khi bước chân vào một nhà hàng Nhật Bản, bạn sẽ cảm nhận được một không gian tĩnh mịch, thư thái, như rũ bỏ hết những huyên náo của phố phường.

Không biết từ khi nào, con phố Nguyễn Chí Thanh trở thành điểm đến của nhiều người dân Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Lý do đơn giản bởi tuyến đường này có nhiều nhà hàng Nhật Bản, thỏa mản niềm yêu thích của những ai yêu văn hóa ẩm thực Nhật. Đằng sau những cánh cửa kéo ngang là không gian ẩm thực đậm chất Nhật mà bất cứ du khách của xứ sở hoa anh đào nào đến cũng có cảm giác như đang ở chính quê hương của mình.
 

                    Không gian một nhà hàng Nhật Bản tại Đà Nẵng.
Nằm khiêm tốn ở địa chỉ 122 Nguyễn Chí Thanh, nhà hàng Kitaguni là một trong những nhà hàng Nhật Bản đầu tiên ở Đà Nẵng. Trước đó, anh La Tô Hà, chủ nhà hàng, đã có thời gian học tập và làm việc ở Nhật 6-7 năm. Sau đó vì đam mê, yêu thích ẩm thực Nhật Bản, muốn mang cái độc đáo của xứ sở hoa anh đào về Việt Nam nên anh đã mở nhà hàng Nhật Bản thứ 2 đặt ở Đà Nẵng (trước đó anh đã mở một nhà hàng ở Hà Nội).
Thời gian đầu, nhà hàng chủ yếu phục vụ khách phương Tây do người Nhật ở Đà Nẵng chưa nhiều, người Việt lại ít ăn đồ Nhật, nhưng vì đam mê nên anh Hà đã cố gắng duy trì, đến nay lượng khách của quán đã ổn định. Chị La Thanh, quản lý nhà hàng cho biết, thực đơn là các loại sushi, sashimi (các loại hải sản sống ăn với mù tạt), bánh xèo Nhật…, khách quen của quán là những người Nhật sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. "Nhiều hôm nhà hàng đã đóng cửa nhưng khách gọi đồ ăn khuya, chúng tôi vẫn nhiệt tình mang đến tận nơi bởi đây chính là những vị khách quen của quán. Có chu đáo như vậy mình mới giữ được các mối khách quen”, chị Thanh chia sẻ.
Trong khi đó, tuy mới mở được gần 1 năm nay nhưng nhà hàng Banjiro (23 Nguyễn Chí Thanh) cũng đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người Nhật tại Đà Nẵng. Theo anh Chen Jen Chun, đầu bếp kiêm quản lý nhà hàng, Đà Nẵng là thành phố biển có nhiều loại hải sản tươi ngon, thuận lợi cho việc chế biến các món sushi, các món nướng, mì. Anh cũng cho biết thêm, nhà hàng luôn sử dụng những nguyên liệu tươi, ngon cũng như cách sử dụng gia vị tinh tế để không chỉ nâng cao chất lượng món ăn mà còn giữ được hương vị đặc trưng của các món Nhật.
Cùng với khách Nhật, nhiều người Việt Nam cũng rất thích các loại sushi cuộn, sushi nắm và các loại mì đặc trưng của Nhật Bản… Chủ nhà hàng Banjiro cho biết: “Sở dĩ nhà hàng có tên là Banjiro vì muốn tiếp nối ý chí của một thương nhân người Nhật tên là Banjiro từng đến và làm việc tại Việt Nam. Chúng tôi muốn nối gót ông ấy, mang nền văn hóa Nhật Bản đến Đà Nẵng với mong muốn nâng cao tình hữu nghị hai nước, tạo sự kết giao “tình bạn” thông qua những món ăn tại mảnh đất được nhiều bạn bè trên thế giới ghé thăm này”.
Ngoài Kitaguni, Banjiro còn có các nhà hàng khác như: Kachou Fugetsu, Irohanihaheto, Tsukuhi, Fukouka, Đà Nẵng Sushi Bar,  Umi, Sumo…  Không hẹn mà gặp, gần 10 nhà hàng Nhật Bản tụ họp trên phố Nguyễn Chí Thanh, đáp ứng nhu cầu của những người Nhật sinh sống tại Đà Nẵng. Một vị khách quen của Banjiro cho biết: “Ở Đà Nẵng có nhiều nhà hàng Nhật, những món ăn cùng cách trang trí của các nhà hàng này tạo được không gian gần gũi, ấm cúng rất riêng của xứ sở hoa anh đào. Ở giữa lòng thành phố Đà Nẵng mà như đang được ngồi như chính ở quê hương của mình”.

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Ngày 26/4, Đà Nẵng chính thức khởi công xây dựng Bến du thuyền Đà Nẵng và Câu lạc bộ thể thao dưới nước trên sông Hàn.




Dự án bến du thuyền Đà Nẵng và Câu lạc bộ thể thao dưới nước có độ dài gần 700m, nằm trải dọc theo phía Tây sông Hàn, vị trí đẹp ngay giữa cầu Rồng và cầu sông Hàn. Dự án do Công ty cổ phần DHC-Marina làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là hơn 203 tỷ đồng.

Quy mô dự án hơn 56.766m2, bao gồm các hạng mục chính: cầu cảng đón trả khách là công trình cấp 1, du thuyền nổi là công trình cấp 2.

Mục tiêu của dự án nhằm phát triển du lịch du thuyền và thể thao dưới nước, trong đó phát triển du lịch trên sông kết hợp văn hoá nghệ thuật dân tộc như ca trù, hát trầu văn, bài chòi…

Ngoài ra, còn có du lịch kết hợp với thể thao dưới nước như lướt ván, lặn biển ngắm san hô, câu cá..; Du lịch trên biển như: các tour đến đến các đảo, các thành phố lân cận…

Đồng thời, tổ chức các chương trình sự kiện trên sông và tham gia các tổ chức du thuyền quốc tế như hiệp hội, câu lạc bộ và xúc tiến các hoạt động liên quan đến du thuyền tại Việt Nam như hội chợ triển lãm, giao lưu văn hoá…

Bên cạnh đó, dự án cũng hình thành các nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ khiêu vũ nhằm tạo thêm dịch vụ cho du khách khi đến với bến du thuyền này.

 Đây sẽ là Bến du thuyền hiện đại nhất Việt Nam hiện nay./.
Ít ai biết rằng mặt nước bãi biển hoang sơ Ghềnh Bàng (Đà Nẵng) lại ẩn chứa nhiều san hô và cá biển đủ màu sặc sỡ. Nơi đây là một địa điểm rất thú vị cho những ai khoái du lịch "bụi" và những người trẻ tuổi có chút "máu" mạo hiểm.
Được lặn biển luôn là ước mơ của những người mê khám phá. Cái cảm giác được tận mắt chiêm ngưỡng thế giới thuỷ cung rực rỡ toàn san hô và các loài thuỷ ngư thật khó có gì có thể so sánh được. Nên một nơi thiên nhiên hoang sơ như Ghềnh Bàng lại trở thành điểm đến thú vị và ít tốn kém.

Dọc bãi biển dài hơn 2 km là hàng nghìn tảng đá lớn nhỏ với đủ hình dáng, ôm bọc lấy bãi đá là cây cối um tùm xanh mướt. Theo lời cư dân bản địa thì "Cứ bơi ra đó mà lặn thôi, nhiều san hô đẹp lắm".

Thế nhưng để ra được khỏi bãi đá không phải là chuyện đơn giản. Hì hụi trèo qua những tảng đá lớn nổi rõ trên mặt nước, vừa đặt chân xuống nước "đội quân" du lịch "bụi" đã gặp ngay những tảng đá chìm bám đầy hà sắc như dao cạo, tuồng như thiên nhiên muốn bảo vệ những cảnh quan xinh đẹp của mình trước ánh mắt tò mò của con người. Hệt như dò mìn vậy, người đi trước mò mẫm từng bước một để tránh đá, người đi sau quan sát để tránh những chỗ "kẻ dẫn đường" lỡ sa chân. Để ý một chút sẽ thấy cát trắng phau, êm mượt bọc quanh những tảng đá "bẫy" này. Vượt qua hơn 20m "gian khổ", cuối cùng những bàn chân đau nhức vì hà đâm cũng đặt được lên khu vực cát mịn, lúc này nếu đứng thẳng, nước biển đã ngập ngang ngực người lớn. Lao mình xuống làn nước màu ngọc bích chẳng khó khăn gì để phát hiện ra những dãy san hô lớn nhỏ ẩn hiện dưới làn nước nông trong vắt.

San hô nơi đây không nhiều màu sắc như san hô ở Nha Trang, nhưng cũng đủ hấp dẫn với một tour du lịch khám phá. Khi lặn xuốnng nước, du khách có thể dễ dàng chiêm ngưỡng những đàn cá thia, cá nàng đào đủ sắc màu và những con ốc biển lạ mắt bám dưới gốc san hô nữa...
Design by VNCIT