Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Tổng quan

Đà Nẵng là một thành phố biển nằm ở miền Trung Việt Nam, có vị trí gần như là trung tâm khoảng cách giữa thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Sở hữu rất nhiều cảnh quan thiên nhiên đa dạng, Đà Nẵng không chỉ thu hút du khách với bãi biển dài hơn 60 km, được tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, mà còn có rất nhiều cảnh quan ấn tượng như bán đảo Sơn Trà, khu du lịchBà Nà Hills, danh thắng Ngũ Hành Sơn… Ngoài ra Đà Nẵng còn là trung tâm của 3 di sản văn hóa nổi tiếng thế giới là Cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn.

Không chỉ hấp dẫn với cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, Đà Nẵng còn là một thành phố đáng sống bởi sự trong lành và yên bình nơi đây. Thành phố rất an ninh trật tự, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và hiếm khi xảy ra tình trạng kẹt xe. Đó là lý do mà bạn có thể hoàn toàn an tâm và thoải mái khi lang thang khám phá khắp thành phố này.

Đi Đà Nẵng khi nào?

Do vị trí địa lý nên khí hậu Đà Nẵng là nơi chuyển tiếp đan xen giữa khí hậu miền Bắc và miền Nam, tuy nhiên phần lớn mang nhiều ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới điển hình ở phía Nam. ở Đà Nẵng có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 12, và mùa khô từ tháng 1 đến tháng 7, nhiệt độ trung bình 28-30°C. Vào các tháng mùa đông như 12, 1, 2 nhiệt độ chỉ vào khoảng 18-23°C. Riêng khu vực núi Bà Nà ở độ cao gần 1.500 m so với mặt nước biển nên nhiệt độ trung bình luôn mát mẻ khoảng 20°C.

Đi đâu và chơi gì ở Đà Nẵng ?

Đà Nẵng ngày càng trở thành một điểm du lịch thu hút nhiều du khách tham quan. Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn những điểm đến không thể bỏ qua khi ghé thăm Đà Nẵng.



Bán đảo Sơn Trà: cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 10 km về phía Đông Bắc, Bán đảo Sơn Trà sở hữu những khung cảnh thiên nhiên đặc sắc bởi vẻ đẹp sinh thái hoang sơ, phong phú. Có đứng ở các điểm dừng chân trên núi Sơn Trà, bạn mới cảm giác được không khí mát lành của biển và núi, có phóng tầm mắt ra những đỉnh núi trập trùng lãng đãng mây phủ, với từng dải rừng xanh mướt bạn mới thấy được hết sự kì vĩ của nơi này.


Các bãi tắm ở Đà Nẵng: Đà Nẵng sở hữu đường bờ biển kéo dài gần 60km với nhiều bãi tắm tuyệt đẹp như bãi tắm Non Nước, Bắc Mỹ An, bãi tắm Mỹ Khê, kéo dài từ chân đèo Hải Vân đến Non Nước, nổi tiếng là một trong những điểm nghỉ ngơi, thư giãn, tắm biển lý tưởng nhất khu vực Châu Á.





Danh thắng Ngũ Hành Sơn: Ngũ Hành Sơn là tên gọi chung của năm ngọn núi đá ở Đà Nẵng, nằm liền kề với biển, được vua Minh Mạng đặt tên cho mỗi ngọn núi tượng trưng cho những yếu tố cấu thành vũ trụ là Kim Sơn, Thuỷ Sơn, Thổ Sơn, Mộc Sơn và Hoả Sơn. Ngũ Hành Sơn nằm cách trung tâm Đà Nẵng 5 km về phía Đông Nam, trên một bãi cát mênh mông gần bờ biển, thuộc làng Hoà Khuê, ấp Sơn Thủy, huyện Hòa Vang.




Chùa Linh Ứng: ghé thăm Ngũ Hành Sơn bạn đừng quên ghé thăm ngôi chùa nổi tiếng này. Chùa được vua Gia Long cho tu bổ từ một cái am nhỏ và đổi tên thành Linh Ứng tự. Hiện nay chùa vẫn còn lưu giữ hai hiện vật quí giá là hai biển vàng “Ngự chế Ứng Chơn tự Minh Mạng lục niên” và “Cải tử”.

Thành Điện Hải: là một trong những di tích hào hùng về một thời chống thực dân Pháp của nhân dân Đà Nẵng dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương. Đây cũng là đồn lũy quan trọng góp phần đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Đà Nẵng những năm 1858 - 1860. Một tượng đài uy nghi của Tướng quân Nguyễn Tri Phương đã được dựng tại đây, để ghi nhớ một giai đoạn lịch sử hào hùng của thành phố.




Bà Nà - Núi Chúa: là một khu nghỉ mát tọa lạc cách trung tâm thành phố 40 km về phía Tây Nam. Bà Nà - Núi Chúa được xây dựng làm nơi nghỉ ngơi cho các quan chức Pháp trong thời kì Pháp còn đô hộ Việt Nam. Sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương, khu vực này bị bỏ hoang và hủy hoại bởi chiến tranh và thời gian. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư nhiều hạng mục du lịch tại đây, trong tương lai Bà Nà - Núi Chúa sẽ trở thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp thu hút du khách.

Đèo Hải Vân: đèo Hải Vân là ranh giới phân chia hai miền Nam – Bắc và cũng là nơi dãy Trường Sơn nhô ra biển. Có địa thế cheo leo và hiểm trở, tuy nhiên nơi đây lại là điểm dừng chân tuyệt vời nhất để bạn chiêm ngưỡng khung cảnh kì vĩ của Đà Nẵng.




Làng cổ Túy Loan: nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 15km về phía Tây Nam. Túy Loan là một ngôi làng cổ đã có trên 500 tuổi, hơn một thế kỷ qua, làng vẫn còn giữ được nguyên trạng ngôi đình làng Tuý Loan và đình Bồ Bản trầm mặc dưới gốc đa cổ thụ. đến đây du khách không nên bỏ lỡ cơ hội được nếm thử món đặc sản bánh tráng nổi tiếng của làng.

Đến và đi lại ở Đà Nẵng bằng gì?

Bạn có thể tham khảo các phương tiện sau và có lựa chọn thích hợp nhất để đến Đà Nẵng:

Xe khách: bạn có thể chọn các hãng xe phổ biến như Xe Hoàng Long, Mai Linh, Thuận Thảo với giá vé khoảng 400.000đ – 500.000đ, thời gian di chuyển là từ 18 - 20 tiếng từ Hà Nội/Sài Gòn đến Đà Nẵng.

Tàu lửa: tùy theo loại tàu và hạng ghế mà giá vé có thể dao động từ 300.000đ - 1.200.000đ, thời gian di chuyển từ Hà Nội/Sài Gòn là 14 - 20 tiếng.

Máy bay: là phương tiện di chuyển nhanh nhất từ Hà Nội đến Đà Nẵng, giá vé tùy theo hãng hàng không mà có thể dao động từ 600.000đ đến 2.200.000đ, thời gian di chuyển là 1 tiếng 30 phút.

Di chuyển trong nội thành Đà Nẵng:

Xe máy: bạn có thể thuê xe tại khách sạn hay các điểm thuê xe máy để chủ động thuận tiện tham quan các điểm du lịch, giá thuê xe dao động từ 150.000đ – 300.000đ/xe máy hoặc xe ga/ngày. Xe buýt cũng là một lựa chọn nếu bạn có nhiều thời gian, có các xe buýt liên tỉnh chạy đến Huế trong 3 tiếng, và Hội An chừng 1 tiếng.

Đến Đà Nẵng ăn gì và ở đâu?

Đà Nẵng thực sự là một điểm đến hấp dẫn du khách với những món ăn ngon đặc sắc. Sau đây là danh sách những món ăn nổi tiếng của thành phố xinh đẹp này.

Mì Quảng: đến Đà Nẵng bạn nhất đinh không thể bỏ qua món Mì Quảng. Món mì này có rất nhiều biến tấu hấp dẫn cho bạn chọn như: mì Quảng sườn non, mì Quảng cá lóc, mì Quảng lươn, mì Quảng chả cua Giá cả dao động tùy nơi và tùy tô lớn nhỏ từ 13.000 – 25.000đ/tô, bánh tráng bán kèm 3.000 đồng/cái. Địa chỉ tham khảo: Quán Trần: 300 Hải Phòng; quán Bà Ngân: 108 Đống Đa; quán Bà Lữ: 126 Hàm Nghi; quán Bà Vị: 55 Trưng Nữ Vương; Mì Quảng 1A: số 01 Hải Phòng

Gỏi cá Nam Ô: nếu bạn muốn thưởng thức gỏi cá Nam Ô đích thực thì phải đến khu vực. Hoặc bạn có thể qua các quán ăn ở cầu Nam Ô với một phần với giá từ 40.000 đồng.

Bún chả cá: quán bún chả cá gia truyền 109 Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu, giá: 20.000đ/tô bình thường và 25.000đ/tô đặc biệt; mở cửa từ 6h – 22h. Ngoài ra bạn cũng có thể đến quán bún chả cá trên đường Hoàng Diệu (ngay bên cạnh tòa nhà Hoàng Anh Gia Lai) bán từ 7h – 21h, quán bún đối diện chợ Tam Tòa chỉ bán buổi sáng từ 6h – 10h.

Bánh tráng cuốn thịt heo quán Trần: 300 đường Hải Phòng; quán Mậu ở số 35 Đỗ Thúc Tịnh. Bún mắm “Bà Thuyên” trên đường Lê Duẫn, đối diện chi nhánh Mobifone,và Nguyễn Thị Minh Khai. Cao lầu và Cơm gà Hội An ở quán trên đường Lê Đình Dương đối diện quán Trúc Lâm Viên. Bánh xèo bà Dưỡng K280/23 Hoàng Diệu

Bê thui Cầu Mống: quán Bê thui Cầu Mống bà Ngọc 228 Đống Đa, 99 Ông Ích Khiêm cưỡng.

Nem tré Bà Đệ: 81 Hải Phòng; Nem tré bà Cúc: 107 Hải Phòng

Về lưu trú, Quý khách có thể yên tâm khi đặt phòng khách sạn giá rẻ Đà nẵng tại Du lịch Năm Châu. Chúng tôi không chỉ cung cấp khách sạn giá rẻ Đà Nẵng mà còn cung cấp các khu nghỉ dưỡng 4 sao Đà Nẵng, khu nghỉ dưỡng 5 sao Đà Nẵng giá rẻ cho nhiều lựa chọn của quý khách hàng.

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

1. Tuyến sinh thái Suối Mơ – Thác Tóc tiên – Hồ Thùy Dương (800m):


Khởi hành từ Ga Suối Mơ, men theo con đường sinh thái được lót đá chẻ, du khách sẽ tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp quyến rũ của núi rừng Bà Nà, ngoài ngọn thác chín tầng tên gọi Tóc Tiên còn ẩn chứa trong nó rất nhiều các huyền thoại làm say đắm lòng người, du khách còn được thả hồn cùng thiên nhiên hoang dã (có tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim kêu, tiếng khỉ gọi bầy, có tiếng xào xạc của lá rừng, có mùi hương ngai ngái của đất, mùi thơm dìu dịu của các loại hoa…).




2. Tuyến sinh thái Bynight - Chim Khướu - Hòn Đá Chồng - Miếu Bà (800m)


Khởi hành từ khu nghỉ mát Bà Nà Bynight nơi đầu tiên du khách sẽ gặp là Biệt thự Hoàng Gia và khu vườn Tịnh Tâm với những ngôi nhà cổ kính phủ đầy rêu phong. Men theo đường mòn là thảm thực vật vô cùng phong phú, đa dạng
Đây là nơi cư trú của rất nhiều loài chim như: Bách Thanh, Vàng Anh, Tu Hú,… đặc biệt nhất vẫn là tiếng hót của loài Chim Khướu với những bản hợp xướng đa âm làm ta liên tưởng như đang đứng giữa vườn chim lúc trưa hè. Tiếp đến du khách sẽ ngắm nhìn thung lũng Hoa, nơi xưa kia có rất nhiều loài hoa rừng đẹp. Bên cạnh là dòng suối Hoa, nghe đâu đây tiếng gáy của những chú gà rừng. Ở đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng Hòn Đá Chồng với 3 khối đá chồng lên nhau làm ta nhớ đến triết lý Tam Tài của người Phương Đông (Thiên, Địa, Nhân). Điểm cuối cùng du khách sẽ viếng thăm Miếu Bà, được xây dựng năm 1931 với mục đích thờ Bà Chúa núi (Bà chúa Thượng Ngàn) mong bà che chở và cứu giúp

3. Tuyến Núi Chúa - Thung lũng Vàng - Đồi Vọng Nguyệt. (3.500m)

Đầu tiên chúng ta sẽ chinh phục đỉnh Núi Chúa-có độ cao 1487m so với mặt nước biển, quan sát toàn cảnh thành phố Đà Nẵng từ trên cao. Bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân, vịnh Đà Nẵng, Ngũ Hành Sơn, xa xa là Sông Thu Bồn, Phố Cổ Hội An, đảo Cù Lao Chàm, tất cả như thu vào trong mắt bạn.
Men theo đường mòn sinh thái là Cầu treo Bà Nà và những ngôi biệt thự cổ còn lại dấu tích như: biệt thự Morin, biệt thự Beison… nghe đâu đây có khu vườn cây Gia Long, xưa kia là nơi ẩn náu khi bị nghĩa quân Tây Sơn vây hãm...

4. Tuyến sinh thái Suối Nai - Thác Cầu Vồng (300m)

Từ Trung tâm Bà Nà du khách theo đường mòn cũ của Pháp khoảng 300m đến với ngọn thác cao 12m, dựng đứng, nước từ trên cao đổ xuống như những dải lụa trắng xoá mát lạnh. Có lẽ không có liệu pháp nào xoá bỏ nỗi vất vả và mệt nhọc nhanh bằng ngồi dưới dòng thác này. Khi ánh nắng mặt trời xuyên qua tán rừng thưa lá chiếu xuống dòng thác hiện lên 7 màu sắc của cầu vồng lung linh huyền ảo. Dưới chân thác là dòng suối đẹp mà hai bên bờ cát có in hình dấu chân của những chú nai vàng ngơ ngác xuống uống nước vào những buổi hoàng hôn. 







5. Tuyến khám phá Vòng quanh núi Chúa (300m):

Cuối cùng du khách sẽ chinh phục đỉnh Núi Chúa-có độ cao 1487m so với mặt nước biển, quan sát chiêm ngưỡng thành phố Đà Nẵng từ trên cao. Bán đảo Sơn trà, đèo Hải Vân, vịnh Đà Nẵng, Ngũ Hành Sơn, xa xa là Sông Thu Bồn, Phố Cổ Hội An, đảo Cù Lao Chàm, tất cả như thu vào trong mắt bạn. Phó ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Trung Quốc, Vương Gia Thụy, khi đến đây đã thốt lên “Cảnh đẹp như tranh vẽ, thật là tuyệt”.
Ngược thời gian về giữa thế kỷ thứ 18, khi nơi đây được xem như là một trong những địa danh lịch sử, nơi chúa Nguyễn Ánh (sau này là Vua Gia Long) đã từng bị quân Tây Sơn vây hãm và cũng chính nơi đây là căn cứ địa giúp Chúa Nguyễn Phúc Ánh chiêu tập binh mã kéo về phục hưng triều Nguyễn tại Phú Xuân, lập ra Triều Nguyễn niên hiệu Gia Long, thống nhất giang sơn, chấm dứt hàng trăm năm đất nước bị chia cắt.
Rời đỉnh núi Chúa, du khách men theo tuyến đường sinh thái được lát gạch gốm để tham quan các Biệt thự Pháp cổ được xây dựng từ những năm đầu của thế ký 20 và bị sói mòn bởi Thời gian và con người của một thời chiến tranh Ái quốc, nay còn xót lại các nền nhà cùng những cây cột trụ cái tròn, cái vuông… thật là ấn tượng.
Hiện thực hóa ý tưởng “tái hiện” một làng Pháp cổ kính mang phong vị của thế kỷ XX do chính các kiến trúc sư bậc thầy người Pháp thiết kế, Bà Nà Hills đang tiến hành xây dựng một lâu đài kiểu Pháp nguy nga ẩn mình trong cảnh quan thiên nhiên tuyệt sắc của bạt ngàn rừng nguyên sinh kì vĩ với khí hậu bốn mùa trong một ngày.




“Dạo bước trong ngôi làng này, du khách sẽ được “sống lại” trong không khí của khu nghỉ dưỡng Bà Nà xưa vào đầu thế kỷ XX - một trong những thiên đường nghỉ dưỡng lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, từng sánh ngang với các khu nghỉ dưỡng khác như Le Bockr (Campuchia), Cap Saint Jacques (Vũng Tàu), Tam Đảo, Sa Pa, Đà Lạt…”
Được xây dựng trên diện tích 6 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 70 triệu USD, dự án đã bắt đầu khởi công vào tháng 5 năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Với sự tư vấn của các tập đoàn lớn trên thế giới về kiến trúc, khách sạn như Falcon’s Treehouse, Accor, Hostasia… Làng Pháp sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo cho những ai đam mê khám phá kiến trúc cổ châu Âu và mong muốn tận hưởng các dịch vụ đẳng cấp nhất. 

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014


Dù không khí bên ngoài ồn ào, nhộn nhịp nhưng khi bước chân vào một nhà hàng Nhật Bản, bạn sẽ cảm nhận được một không gian tĩnh mịch, thư thái, như rũ bỏ hết những huyên náo của phố phường.

Không biết từ khi nào, con phố Nguyễn Chí Thanh trở thành điểm đến của nhiều người dân Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Lý do đơn giản bởi tuyến đường này có nhiều nhà hàng Nhật Bản, thỏa mản niềm yêu thích của những ai yêu văn hóa ẩm thực Nhật. Đằng sau những cánh cửa kéo ngang là không gian ẩm thực đậm chất Nhật mà bất cứ du khách của xứ sở hoa anh đào nào đến cũng có cảm giác như đang ở chính quê hương của mình.
 

                    Không gian một nhà hàng Nhật Bản tại Đà Nẵng.
Nằm khiêm tốn ở địa chỉ 122 Nguyễn Chí Thanh, nhà hàng Kitaguni là một trong những nhà hàng Nhật Bản đầu tiên ở Đà Nẵng. Trước đó, anh La Tô Hà, chủ nhà hàng, đã có thời gian học tập và làm việc ở Nhật 6-7 năm. Sau đó vì đam mê, yêu thích ẩm thực Nhật Bản, muốn mang cái độc đáo của xứ sở hoa anh đào về Việt Nam nên anh đã mở nhà hàng Nhật Bản thứ 2 đặt ở Đà Nẵng (trước đó anh đã mở một nhà hàng ở Hà Nội).
Thời gian đầu, nhà hàng chủ yếu phục vụ khách phương Tây do người Nhật ở Đà Nẵng chưa nhiều, người Việt lại ít ăn đồ Nhật, nhưng vì đam mê nên anh Hà đã cố gắng duy trì, đến nay lượng khách của quán đã ổn định. Chị La Thanh, quản lý nhà hàng cho biết, thực đơn là các loại sushi, sashimi (các loại hải sản sống ăn với mù tạt), bánh xèo Nhật…, khách quen của quán là những người Nhật sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. "Nhiều hôm nhà hàng đã đóng cửa nhưng khách gọi đồ ăn khuya, chúng tôi vẫn nhiệt tình mang đến tận nơi bởi đây chính là những vị khách quen của quán. Có chu đáo như vậy mình mới giữ được các mối khách quen”, chị Thanh chia sẻ.
Trong khi đó, tuy mới mở được gần 1 năm nay nhưng nhà hàng Banjiro (23 Nguyễn Chí Thanh) cũng đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người Nhật tại Đà Nẵng. Theo anh Chen Jen Chun, đầu bếp kiêm quản lý nhà hàng, Đà Nẵng là thành phố biển có nhiều loại hải sản tươi ngon, thuận lợi cho việc chế biến các món sushi, các món nướng, mì. Anh cũng cho biết thêm, nhà hàng luôn sử dụng những nguyên liệu tươi, ngon cũng như cách sử dụng gia vị tinh tế để không chỉ nâng cao chất lượng món ăn mà còn giữ được hương vị đặc trưng của các món Nhật.
Cùng với khách Nhật, nhiều người Việt Nam cũng rất thích các loại sushi cuộn, sushi nắm và các loại mì đặc trưng của Nhật Bản… Chủ nhà hàng Banjiro cho biết: “Sở dĩ nhà hàng có tên là Banjiro vì muốn tiếp nối ý chí của một thương nhân người Nhật tên là Banjiro từng đến và làm việc tại Việt Nam. Chúng tôi muốn nối gót ông ấy, mang nền văn hóa Nhật Bản đến Đà Nẵng với mong muốn nâng cao tình hữu nghị hai nước, tạo sự kết giao “tình bạn” thông qua những món ăn tại mảnh đất được nhiều bạn bè trên thế giới ghé thăm này”.
Ngoài Kitaguni, Banjiro còn có các nhà hàng khác như: Kachou Fugetsu, Irohanihaheto, Tsukuhi, Fukouka, Đà Nẵng Sushi Bar,  Umi, Sumo…  Không hẹn mà gặp, gần 10 nhà hàng Nhật Bản tụ họp trên phố Nguyễn Chí Thanh, đáp ứng nhu cầu của những người Nhật sinh sống tại Đà Nẵng. Một vị khách quen của Banjiro cho biết: “Ở Đà Nẵng có nhiều nhà hàng Nhật, những món ăn cùng cách trang trí của các nhà hàng này tạo được không gian gần gũi, ấm cúng rất riêng của xứ sở hoa anh đào. Ở giữa lòng thành phố Đà Nẵng mà như đang được ngồi như chính ở quê hương của mình”.

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Ngày 26/4, Đà Nẵng chính thức khởi công xây dựng Bến du thuyền Đà Nẵng và Câu lạc bộ thể thao dưới nước trên sông Hàn.




Dự án bến du thuyền Đà Nẵng và Câu lạc bộ thể thao dưới nước có độ dài gần 700m, nằm trải dọc theo phía Tây sông Hàn, vị trí đẹp ngay giữa cầu Rồng và cầu sông Hàn. Dự án do Công ty cổ phần DHC-Marina làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là hơn 203 tỷ đồng.

Quy mô dự án hơn 56.766m2, bao gồm các hạng mục chính: cầu cảng đón trả khách là công trình cấp 1, du thuyền nổi là công trình cấp 2.

Mục tiêu của dự án nhằm phát triển du lịch du thuyền và thể thao dưới nước, trong đó phát triển du lịch trên sông kết hợp văn hoá nghệ thuật dân tộc như ca trù, hát trầu văn, bài chòi…

Ngoài ra, còn có du lịch kết hợp với thể thao dưới nước như lướt ván, lặn biển ngắm san hô, câu cá..; Du lịch trên biển như: các tour đến đến các đảo, các thành phố lân cận…

Đồng thời, tổ chức các chương trình sự kiện trên sông và tham gia các tổ chức du thuyền quốc tế như hiệp hội, câu lạc bộ và xúc tiến các hoạt động liên quan đến du thuyền tại Việt Nam như hội chợ triển lãm, giao lưu văn hoá…

Bên cạnh đó, dự án cũng hình thành các nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ khiêu vũ nhằm tạo thêm dịch vụ cho du khách khi đến với bến du thuyền này.

 Đây sẽ là Bến du thuyền hiện đại nhất Việt Nam hiện nay./.
Ít ai biết rằng mặt nước bãi biển hoang sơ Ghềnh Bàng (Đà Nẵng) lại ẩn chứa nhiều san hô và cá biển đủ màu sặc sỡ. Nơi đây là một địa điểm rất thú vị cho những ai khoái du lịch "bụi" và những người trẻ tuổi có chút "máu" mạo hiểm.
Được lặn biển luôn là ước mơ của những người mê khám phá. Cái cảm giác được tận mắt chiêm ngưỡng thế giới thuỷ cung rực rỡ toàn san hô và các loài thuỷ ngư thật khó có gì có thể so sánh được. Nên một nơi thiên nhiên hoang sơ như Ghềnh Bàng lại trở thành điểm đến thú vị và ít tốn kém.

Dọc bãi biển dài hơn 2 km là hàng nghìn tảng đá lớn nhỏ với đủ hình dáng, ôm bọc lấy bãi đá là cây cối um tùm xanh mướt. Theo lời cư dân bản địa thì "Cứ bơi ra đó mà lặn thôi, nhiều san hô đẹp lắm".

Thế nhưng để ra được khỏi bãi đá không phải là chuyện đơn giản. Hì hụi trèo qua những tảng đá lớn nổi rõ trên mặt nước, vừa đặt chân xuống nước "đội quân" du lịch "bụi" đã gặp ngay những tảng đá chìm bám đầy hà sắc như dao cạo, tuồng như thiên nhiên muốn bảo vệ những cảnh quan xinh đẹp của mình trước ánh mắt tò mò của con người. Hệt như dò mìn vậy, người đi trước mò mẫm từng bước một để tránh đá, người đi sau quan sát để tránh những chỗ "kẻ dẫn đường" lỡ sa chân. Để ý một chút sẽ thấy cát trắng phau, êm mượt bọc quanh những tảng đá "bẫy" này. Vượt qua hơn 20m "gian khổ", cuối cùng những bàn chân đau nhức vì hà đâm cũng đặt được lên khu vực cát mịn, lúc này nếu đứng thẳng, nước biển đã ngập ngang ngực người lớn. Lao mình xuống làn nước màu ngọc bích chẳng khó khăn gì để phát hiện ra những dãy san hô lớn nhỏ ẩn hiện dưới làn nước nông trong vắt.

San hô nơi đây không nhiều màu sắc như san hô ở Nha Trang, nhưng cũng đủ hấp dẫn với một tour du lịch khám phá. Khi lặn xuốnng nước, du khách có thể dễ dàng chiêm ngưỡng những đàn cá thia, cá nàng đào đủ sắc màu và những con ốc biển lạ mắt bám dưới gốc san hô nữa...

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Thác Tóc Tiên nằm ở Suối Mơ cách khu nghỉ mát Bà Nà 2km về hướng Đông, gắn liền với một truyền thuyết đẹp. dòng thác chảy từ độ cao 700 mét quanh năm đề đổ nước

Đây thác Tóc Tiên:

Suối Mơ cách khu nghỉ mát Bà Nà 2km về hướng Đông, gắn liền với một truyền thuyết đẹp. Chuyện kể rằng, ngày xưa, các nàng tiên thường đến nô đùa nơi đây, mải ngắm cảnh đẹp mà quên về trời, để lại những mái tóc dài vắt qua 9 tầng đá, tạo thành thác Mơ huyền thoại và hùng tráng. Dòng thác chảy từ độ cao 700 mét quanh năm đề đổ nước, đẹp như một giấc mơ,  vì thế còn được gọi là Thác Tóc Tiên. Đến với Suối Mơ là đến với thế giới hoang dã của đại ngàn rừng xanh và suối sâu. Hệ động vật, thực vật ở đây gồm rừng nguyên sinh, rừng già, thảm thực vật hầu hết là rừng già và cây họ dầu. Ngay từ lúc mới bước chân đến hồ Thùy Dương, bạn đã có thể nghe tiếng suối róc rách rì rầm ngỡ như tiếng chuyện trò của những nàng tiên thưở trước. Giữa không khí núi rừng thinh lặng mà rộn rã ấy, thỉnh thoảng vang lên tiếng chim kêu vượn hú, chút hương hoa dìu dịu, mùi mật ong thoảng thoảng và mùi cây rừng ngai ngái sẽ vấn vít đôi chân bạn trong đoạn đường 1km từ hồ Thuỳ Dương đưa bạn đến với thác Mơ.


Con đường dẫn tới thác nhỏ thôi! bề ngang chưa đủ 1 thước, cùng với cây rừng chằng chịt, chỉ chừa đủ một lối đi. Hai bên suối, những khối đá chồng chất lên nhau tạo thành những thác nhỏ như thác Cây Đa, thác Đứng, Và bất ngờ nhất, mê lòng người nhất chính là con thác 9 tầng luôn chảy rào rạt như không bao giờ cạn đổ xuống suối Mơ,Chỉ khi đặt chân đến đây rồi bạn mới cảm nhận hết vẻ đẹp đến nao lòng, đến mê say của Thác Tóc tiên, để hiểu vì sao những nàng tiên mê cảnh mà quên cả lối về!

Vài nét về Suối Mơ:

Từ trên núi Bà Nà chảy xuống, bắt nguồn từ những mạch nước ngầm trên núi nên suối chảy 4 mùa, mặc cái nắng cháy của miền Trung có thiêu đốt vạn vật và là khô cạn các dòng nước.


Hai bên bờ suối, vách đá dựng đứng, cùng với những cây họ dầu cólâu năm tạo nên một bức tường thành tự nhiên, giữ cho Suối Mơ không gian trong lành, tách biệt, cảm giác như những nắng nóng, những bụi bặm, những ồn ào cuộc sống không thể nào chạm tới. Có lẽ chính nét hoang sơ trong trẻo ấy đã đủ sức mời mọc, thôi thúc du khách bốn phương vì thế có những ngày có tới 3000 – 4000 lượt khách tìm về với Suối Mơ..


Giữa dòng suối, những tảng đá cuội đã như có sự sắp xếp của tạo hoá, xếp thành bậc, thành bàn thích hợp cho du khách ngồi nghỉ hoặc dùng các bữa ăn tạm. Trên lưng chừng đồi, tiếng hát du dương của những người trồng rừng, tiếng đàn của du khách và tiếng gió vi vu từ sâu thẳm đại ngàn vọng về, tiếng vỏ cây tếch tán, quyện với hương thơm của núi rừng, tạo nên một khung cảnh thơ mộng, mê say và lưu luyến, tưởng như không thể rời xa.

Không phải ngẫu nhiên mà trong ca từ của nhạc sỹ Văn Cao, Suối Mơ đẹp tới nhường này:

"Suối Mơ bên bờ thu vắng
dòng nước trôi lững lờ
ngoài nắng"...


Trong hành trình về tới "Con đường di sản miền Trung" và "Con đường di sản thế giới", TP Đà Nẵng là địa chỉ tuyệt vời để cho du khách dừng chân. Suối Mơ - con suối đẹp như một bức tranh sẽ là địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn, mang đến cho du khách không ít sự ngỡ ngàng. Trên con đường quanh co uốn lượn, dãy núi Bà Nà lúc ẩn lúc hiện giữa ảo mờ sương khói cùng với bao la là cây rừng xanh tươi chắc chắn du khách sẽ có được một cảm giác thư thái khi trở về với thiên nhiên mà quên đi bao âu lo bộn bề cuộc sống.
Trong mùa du lịch hè này, người dân và du khách đến Đà Nẵng có thể thưởng lãm lễ hội hoa trong không gian mát lành trên đỉnh Bà Nà. Lễ hội dự kiến kéo dài suốt 3 tháng, từ 15/5- 15/8.
Tại khu vườn hoa Le Jardin D’amour ở khu du lịch Bà Nà trong thời gian này đã được tạo tác thành một thung lũng hoa rộng lớn với nhiều khu vực xinh đẹp như vườn Địa Đàng, nhà Thư Giãn, vườn Bí ẩn, vườn Uyên Ương, vườn Suy Tưởng, vườn Thần Thoại...


Những người thiết kế thung lũng hoa đã khéo léo tạo điểm nhấn cho không gian lễ hội hoa, đặt những giàn hoa trắng tinh khiết, những cánh bướm đan bằng tre tinh xảo, hàng ngàn chậu cây nhỏ xếp nối tiếp nhau và cả cỗ xe ngựa lỗng lẫy.

Tạo vườn có hàng trăm loại hoa đẹp đa sắc màu được tạo hình nghệ thuật trên đỉnh núi.


Đặc biệt, ngay trước khu trung tâm lễ hội, du khách thưởng lãm hoa có thể trải nghiệm mê cung bí ẩn với nhiều bất ngờ thú vị.

Sự béo, giòn, ngậy của ram kết hợp hài hòa với lá cải nhuận đắng, hơi hăng tạo thành món ram cuốn cải khó quên của ẩm thực Đà Nẵng.

Nếu có dịp đến Đà Nẵng du lịch và khám phá sự đa dạng của ẩm thực nơi đây, bên cạnh bánh tráng cuốn thịt heo, bún mắm, hải sản..., bạn đừng quên nếm thử món ram cuốn cải. Ram cuốn cải là món ăn dân dã tại Đà Nẵng, thường được bán nhiều trong chợ hay những quán vỉa hè.

Ram cuốn cải là món ăn hấp dẫn và rất đáng thử khi đến Đà Nẵng.
Mỗi chiếc ram chỉ dài khoảng chừng một ngón tay với lớp vỏ thơm, giòn sẽ được chiên ngay tại chỗ khi ăn. Nhân ram tương đối giống nhân nem của miền Bắc, nghĩa là có ít miến trộn với thịt và nấm mèo, sau đó sẽ cuộn tròn với lớp ram mỏng. Chờ khách đến, từng chiếc ram sẽ được chiên vàng trong chảo dầu đậu phộng đến khi vàng rộm, giòn rụm thì vớt ra.

Ram chỉ nhỏ như một ngón tay, được chiên với dầu đậu phộng giòn tan, đậm vị.
Để ăn món ăn thêm hấp dẫn, ram sẽ được dọn kèm với bánh tráng, đu đủ, cà rốt ngâm chua, dưa leo chẻ mỏng kèm theo một đĩa rau sống. Và dĩ nhiên không thể thiếu những lá cải tươi ngon, rất hợp với ram. Ram béo ngậy khi cuốn với lá cải xanh có chút nhuận đắng, chút cay nồng rồi chấm cùng nước chấm chua ngọt bỗng trở nên "bắt miệng" đến kì lạ.

Rau sống và đặc biệt là cải xanh là những thứ không thể thiếu để ăn kèm với ram.

Đồ chua có tác dụng giảm ngấy.
Có thể nói ram và cải là cặp đôi hoàn hảo để bổ trợ cho nhau. Cải làm giảm vị ngấy từ dầu của ram và ram thì tăng độ ngọt và át đi độ hăng, cay của cải. Để có 1 món ram cuốn cải như ý, quán sẽ chuẩn bị 1 chén nước mắm chua ngọt và có độ cay vừa phải. Bạn chỉ cần cuộn theo thứ tự bánh tráng, cải, rau sống, nộm, ram rồi chấm với nước chấm chua ngọt và từ từ thưởng thức hương vị dân dã mà khó quên của món ăn.

Ram được cuốn cùng bánh tráng, cải, các loại rau rồi chấm với nước chấm chua ngọt.
Đường Lê Duẩn và Ông Ích Khiêm là nơi tụ họp của hàng ram cuốn cải. Các quán bắt đầu mở từ 5h chiều đến khoảng 10h đêm. Tùy từng quán mà một đĩa ram có 10 - 12 cái với giá từ 20.000 -30.000 đồng. Nhìn chung đây là mức giá mềm, phù hợp để bạn có những trải nghiệm ẩm thực mới. Đặc biệt là trong thời tiết hơi se lạnh hay khi về đêm, ram cuốn cải lại càng trở thành món ăn hấp dẫn, khó chối từ.

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Du lịch đường sông là sản phẩm du lịch đầy tiềm năng mà Đà Nẵng đang thúc đẩy đầu tư và quảng bá. Đặc biệt, việc sắp tới đây thành phố cho xây dựng cầu tàu và bến du thuyền không chỉ khắc phục khó khăn trong việc thiếu bến neo đậu trong suốt nhiều năm qua mà còn mở ra hướng mới cho phát triển du lịch đường sông của Đà Nẵng.

Hình thành chuỗi sản phẩm mới
Thời gian qua, du lịch đường sông ở Đà Nẵng có bước phát triển vượt bậc, làm nên “hương vị” riêng của ngành du lịch thành phố. Khi cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý khánh thành, lượng khách đăng ký tour du lịch đường sông tăng lên đáng kể, hầu như tối nào các tàu cũng chở được vài chục lượt khách. Nhất là tour “Thưởng ngoạn sông Hàn về đêm” tuy chỉ mới khai thác gần 1 năm nay nhưng đã tạo được ấn tượng trong lòng đông đảo du khách, góp phần “gỡ khó” cho ngành du lịch Đà Nẵng về việc thiếu sản phẩm du lịch ban đêm. “Tôi đã đến Đà Nẵng nhiều lần, nhưng lần này đến Đà Nẵng rất ấn tượng với tour du lịch đường sông ngắm cầu Rồng phun lửa, ngắm thành phố về đêm. Tôi nghĩ đây là sản phẩm du lịch hấp dẫn, nếu Đà Nẵng quảng bá tốt sẽ được nhiều du khách đón nhận nhiệt tình”, anh Huỳnh Thiên Trường (du khách TP. Hồ Chí Minh) cho biết.
Du lịch đường sông ở Đà Nẵng hình thành và phát triển từ năm 2009 đến nay nhưng lại thiếu bến bãi neo đậu khiến các tàu gặp khó khăn trong việc đón trả khách. Khi hay tin thành phố cho xây dựng cầu tàu và bến du thuyền trong tháng 4 tới, nhiều chủ tàu bày tỏ vui mừng vì mùa du lịch hè sắp tới sẽ làm ăn thuận lợi hơn. Ông Trần Văn Minh, chủ tàu du lịch Minh Trần, cho biết: “Hiện nay tình trạng du khách phải trèo lan can qua đường Bạch Đằng để xuống tàu hay trèo thang tre từ tàu xuống các điểm du lịch gây mất an toàn khiến nhiều du khách không hài lòng. Việc xây dựng bến neo đậu sẽ giúp đội tàu có chỗ cố định để đón trả khách, không phải nay đây mai đó như trước đây nữa”. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, khi cầu tàu này hoàn thành, Sở sẽ phối hợp với Sở Giao thông vận tải làm thủ tục cấp phép tuyến cố định cho các tàu thuyền kinh doanh du lịch đường sông để đưa du lịch đường sông đi vào hoạt động nền nếp hơn.
Công ty Cổ phần DHC-Marina, chủ đầu tư dự án cầu tàu và bến du thuyền “Đà Nẵng Marina”, cho biết dự án đang trong giai đoạn “nước rút” hoàn thành các thủ tục cần thiết để khởi công xây dựng vào cuối tháng 4 tới. Bà Trần Phương Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần DHC-Marina, cho biết: “Việc xây dựng dự án cầu tàu và bến du thuyền “Đà Nẵng Marina” nhằm mục đích đưa du lịch đường sông ở Đà Nẵng phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có của nó. Đồng thời khi dự án này đi vào hoạt động sẽ hình thành một chuỗi các sản phẩm dịch vụ mới như thể thao dưới nước, CLB du thuyền, các sự kiện văn hóa trên sông nước… và đặc biệt là chúng ta có thể kết nối du lịch đường thủy ở Đà Nẵng với Huế, Quảng Bình ở phía Bắc hoặc Nha Trang, Ninh Thuận ở phía Nam. Trong tương lai, chúng ta có thể hy vọng du lịch đường sông ở Đà Nẵng sẽ là sản phẩm du lịch đặc trưng, không chỉ mang tầm quốc gia mà còn vươn tầm quốc tế”.
Hình thành đội tàu chuyên nghiệp và kết nối điểm đến
Theo các nhà làm du lịch, việc xây dựng cầu tàu và bến du thuyền là cần thiết, tạo “luồng gió mới” cho phát triển du lịch đường sông ở Đà Nẵng. Nhưng để du lịch đường sông phát triển đúng hướng, điều kiện cần là phải mở rộng các tour, tuyến, kết nối với hai địa phương lân cận là Quảng Nam và Huế. Trong năm 2013, du lịch đường sông trên địa bàn thành phố có nhiều thay đổi khi đưa vào khai trương 2 tour mới là “Thưởng ngoạn sông Hàn về đêm” và “Khám phá Bãi cát Vàng” đã bước đầu hình thành các tour, tuyến chính thức để các doanh nghiệp đầu tư khai thác khách.
“Các tour du lịch đường sông hiện nay mới chỉ loanh quanh ở Đà Nẵng với các dịch vụ nghèo nàn, chưa hình thành sản phẩm du lịch độc đáo để quảng bá cho du khách khiến doanh nghiệp lữ hành không mặn mà khai thác. Sản phẩm đường sông muốn có khách trước tiên phải có điểm đến được đầu tư bài bản với các dịch vụ kèm theo, có như vậy mới khai thác tour du lịch đường sông”, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố, đề xuất. Theo ông Dũng, việc cần làm hiện nay là sớm khơi thông dòng sông Cổ Cò kết nối Đà Nẵng với Điện Bàn, Hội An (Quảng Nam) để hình thành tour du lịch làng quê, văn hóa, sinh thái đặc trưng không chỉ du khách trong nước mà khách nước ngoài rất thích thú khám phá.
Hiện nay các hãng lữ hành địa phương vẫn rất dè dặt khi đưa tour du lịch đường sông vào chương trình tham quan, khám phá Đà Nẵng cho du khách ở 2 đầu đất nước và cả khách nước ngoài vì sản phẩm này không mang tính ổn định. Không như các tỉnh, thành khác, tour du lịch đường sông ở Đà Nẵng chỉ khai thác được trong mùa khô, còn mùa mưa thì phải nằm bờ vì công suất của các tàu rất nhỏ. Đội tàu du lịch Đà Nẵng hiện nay có khoảng 12 chiếc, tuy nhiên đa số đều cải hoán từ tàu cá, không đủ công năng phục vụ khách với số lượng lớn.
Trong cuộc họp báo cáo kết quả hoạt động ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2014 tháng 2 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến nhấn mạnh cần khuyến khích phát triển du lịch đường sông, đưa sản phẩm du lịch này trở thành sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng. Đồng chí cũng chỉ đạo các ngành chức năng có các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho các chủ tàu vay vốn để đóng mới và nâng cấp các tàu du lịch.
Nói đến Đà Nẵng là du khách có thể hình dung ngay rằng đó là một thành phố tuyệt đẹp bên sông Hàn, bên bờ biển Đông với những nét quyến rũ chưa từng có ở các đô thị biển khác…

Thiên nhiên ưu đãi cho Đà Nẵng nằm giữa vùng kế cận ba di sản văn hoá thế giới: Cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn, chính vị trí này đã làm nổi rõ vai trò của thành phố Đà nẵng trong khu vực, đó là nơi đón tiếp, phục vụ, trung chuyển khách. Không chỉ là tâm điểm của 03 di sản thế giới, thành phố Đà Nẵng còn có nhiều danh thắng tuyệt đẹp đến nỗi du khách khó có thể nào quên được sau khi đã đến thăm thành phố này.

Đà Nẵng có đèo Hải Vân cheo leo, hiểm trở, được mệnh danh là 'Thiên hạ đệ nhất hùng quan'. Có bán đảo Sơn Trà là điểm hẹn lý tưởng cho du khách. Dưới chân Sơn Trà có Suối Đá, Bãi Bụt, Bãi Rạng, Bãi Bắc, Bãi Nồm… cho du khách cảm giác thú vị khi chìm đắm trong vẻ huy hoàng bình minh và sự lặng lẽ hoàng hôn của một vùng sơn thuỷ hữu tình. Có khu du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ được nhiều người ví là Đà Lạt, Sapa của miền Trung. Có Ngũ Hành Sơn huyền thoại là 'Nam Thiên danh thắng'.


Nói đến Đà Nẵng không thể không nhắc đến dòng sông Hàn thơ mộng và cầu Sông Hàn - cây cầu quay đầu tiên ở Việt Nam - niềm tự hào của người dân thành phố. Cầu Sông Hàn là biểu tượng cho sức sống mới, là khát vọng đi lên của thành phố được xây dựng bằng sự đóng góp của mọi người dân. Dường như mọi vẻ đẹp nên thơ của đòng sông Hàn chỉ được bộc lộ một cách hoàn mỹ nhất trong không gian cầu Sông Hàn lộng gió và mát rượi. Cầu Sông Hàn không chỉ tạo thêm thuận lợi cho giao thông vận tải, du lịch, khơi dậy tiềm năng kinh tế của một vùng đất rộng lớn ở phía đông thành phố mà còn là một dấu ấn văn hoá của người Đà Nẵng hôm nay gửi lại muôn đời con cháu mai sau.

Biển cũng là nguồn cảm hứng du lịch vô tận mà Đà Nẵng có được. Ngoài những bãi tắm sạch, đẹp trải dài thì cảng Đà Nẵng là một trong những cảng ăn khách nhất hiện nay ở Việt Nam.

Đà Nẵng thành phố bên sông Hàn, thành phố biển xinh đẹp thơ mộng và lòng mến khách của người dân thành phố đã làm cho nơi đây trở thành điểm đến thường xuyên của du khách trong nước và quốc tế.
Một ngày đi câu trên vịnh Đà Nẵng thú vị ở chỗ vừa được yên bình ngồi ngắm đất trời, biển rộng xanh ngắc bao quanh, vừa trải qua cuộc "đọ sức" gay cấn để kéo lên được mấy "em" cá to béo, vừa được thưởng thức bữa ăn thịnh soạn tự đánh bắt, tự chế biến ngay trên tàu, rồi tắm thoải thích ở một bờ biển hoang sơ xinh đẹp ít người nào đó.

Ra khơi
Bạn mình từng có kinh nghiệm tour 1 ngày ở vịnh Đà Nẵng, nên liên lạc một người quen là chủ thuyền đánh cá nhỏ, vừa làm dịch vụ đưa khách đi câu ngoài các bãi quanh Sơn Trà. Lộ trình có thể là xuất phát từ bãi Bụt về phía mũi Sơn Trà, hoặc từ cảng cá Thuận Phước vòng qua khỏi cảng Tiên Sa, rồi dừng lại ở một bãi biển tuỳ chọn và trở về vào chiều tối để thấy cầu Thuận Phước thắp sáng lộng lẫy từ xa. Giá cả thuê nguyên ngày là khoảng 1tr5 cho nhóm khoảng 15 người, trong đó đã bao gồm những gì quan trọng nhất cho ngày đi câu: người hướng dẫn tận tình, dụng cụ và mồi câu, bếp ăn để bạn nấu nướng thành quả ngay trên thuyền.
Câu cá cùng ngư dân
Ra đến vùng biển đủ sâu để câu cá mất khoảng 20 phút.Chuẩn bị sẵn nước uống và vài loại đồ ăn khác mang lên thuyền để khi câu cá và nếu nướng xong là có ngay bữa tiệc thịnh soạn ngay trên thuyền. Cuối tháng 7, nắng to, gió mạnh hơn đầu mùa hè và biển nhiều sóng hơn. Bác lái bảo thời điểm tuyệt nhất là trong tháng 6-7, khi "thiên thời địa lợi dung hoà", nghĩa là thời tiết vừa đẹp, sóng không quá lớn, và biển nhiều luồng cá nục. Câu được cá nục tươi, kho lên rồi cuốn bánh tráng chấm mắm nêm ngay trên tàu thì còn gì thú bằng. Sau khi tắm biển và lang thang trên bờ cát mịn tận hưởng sự thanh bình ở đây, cũng đến lúc quay về với ánh đèn đô thị.

Đi câu là trải nghiệm cảm giác cầm cần hồi hộp chờ đợi cái giật nhè nhẹ khi cá cắn mồi, rồi khéo léo kéo cần đúng lúc cá cắn câu. Không chỉ vậy, bạn được sự hướng dẫn tận tình của các bác lái thuyền, trò chuyện cùng họ bạn hiểu hơn cuộc sống trên biển của dân làng chài, được chỉ cách lái thuyền rẽ sóng, được tắm biển, ngắm trời xanh và vịnh Đà Nẵng từ một góc nhìn bạn ít khi thấy, đều sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ. Tất cả những điều này làm nên tour du lịch đặc sắc chỉ có ở Đà Nẵng!
Một bãi không tên tại bán đảo Sơn Trà




Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

1. Tên chính thức: Hòn Chảo
2. Tên gọi khác: Hòn Sơn Trà, Hòn Sơn Chà, Cù lao Hàn, Đảo Ngọc
3. Khoảng cách đến bờ: 550m
4. Vỹ độ: 16.217778
5. Kinh độ: 108.205833
6. Độ cao: 235m
7. Diện tích: 1,6km²
8. Thông tin chi tiết: 

Nếu bạn đã đến thăm du lịch Đà Nẵng và yêu thích biển đảo thì không nên bỏ qua Hòn Chảo.Bởi lẽ Hòn Chảo còn rất hoang sơ và đầy thú vị. Chỉ mất 20 phút là đến Hòn Chảo, hay nếu bạn xuất phát từ bãi Xuân Thiều cũng chỉ mất 10 phút đi bằng canô là đã đến hòn đảo xinh đẹp này



Nhìn từ xa Hòn Chảo nổi lên giữa biển khơi tựa như một chiếc chảo úp ngược nên nó còn tên là hòn Chảo hay còn gọi là hòn Sơn Trà, hòn Sơn Chà, Cù lao Hàn. Xưa khu vực đảo Hòn Chảo là vùng giáp ranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Nó từng được để tưởng nhớ đến công chúa Trần Huyền Trân,đời Trần người ta đặt tên hòn dảo này là đảo Huyền Trân, người đã mang về cho Đại Việt 2 châu Thuận, Hoá và thiên hạ đệ nhất hùng quan Hải Vân. Đến thời Tây Sơn, trong một chuyến đi dạo, vua Quang Trung đổi tên nó thành Hòn Chảo vì quá đẹp. Đến đầu thời Nguyễn, đảo được gọi là cù lao Hàn. Sau đó, vua Minh Mạng ban tặng cho cái tên Ngự Hải Đài có nghĩa là đài canh trên biển. Thời Pháp thuộc, nó được gọi là Hòn Sơn Chà (Trà). Hiện nay đảo có tên chính thức là Hòn Chảo.


Vào những ngày biển động, từ trong những hốc đá trên núi từng đàn diều hâu bay ra đầy mặt biển. Ở lại đảo những ngày ấy, nếu may mắn du khách sẽ được dịp ngắm nhìn những con đại bàng sải cánh dài hàng mét tung bay. Ban đêm những chú trăn khổng lồ sẵn sàng vào tận chuồng nuôi gà, vịt của đơn vị biên phòng để “trộm”. Nếu đêm là giờ vàng của trăn, rắn, lợn rừng… thì ban ngày Hòn Chảo là thế giới tắc kè và chim muông. Chỉ cần tinh mắt, bạn sẽ thấy ngay những con tắc kè xanh, đỏ gật gù trên những thân cây điệp vàng. Vào mùa này điệp nở vàng cả một góc biển, ánh vàng tỏa xuống mặt nước biển xanh ngắt ở bãi Giếng, thêm vào đó sắc màu của những cánh buồm thuyền đánh cá làm nên một bức tranh độc đáo mà chỉ Hòn Chảo mới có. 

Những ngày hè đẹp trời du khách thỏa sức với thú vui lặn biển để khám phá những vẻ đẹp bí ẩn nằm sâu trong lòng biển Hòn Chảo.
Nơi này cùng tập trung nhiều loài hải sản như: tôm hùm, cá mú, bào ngư, sâm biển….Đây là đặc điểm thuận lợi để du khách tận hưởng thú vui câu cá, câu mực.Chỉ cần một tay lưới thả sát mép nước chừng dăm phút, ta có thể vớt lên hàng ký từ cá cơm, cá dìa đến mực ống. 


Đảo chỉ rộng chừng 1.5km nhưng có đầy đủ địa hình. Những bãi đá sát chồng lên nhau sừng sững giữa mây trời qua bao năm tháng.Thật thú vị khi được đi những bước chân trần trên bãi đá, lặng yên nghe sóng vỗ rì rào dưới chân. 

Ở mực nước sâu chưa đầy 2m, qua kính lặn du khách có thể ngắm thỏa thích hơn 144 loài san hô, 135 loài rong biển cùng khoảng 162 loài cá đầy sắc màu. Tất cả số liệu ấy cũng đủ để “vườn thượng uyển” dưới nước này lọt vào danh sách 15 khu bảo tồn biển của Việt Nam. “Nếu chưa đến với những rạn san hô nghĩa là chưa đến Hòn Chảo” .



Và chỉ cần xòe tay ra, bạn có thể chạm vào một đàn cá thủy tiên đang tung tăng bơi lội… Vào ban đêm, lên những con thuyền câu cá, mực vây quanh đảo, du khách sẽ vô tư kéo lên một chú cá dìa bự hay may mắn hơn sẽ rinh khỏi mặt biển một con mực to bằng bắp vế trẻ nhỏ. Du khách cũng có thể xách vợt đi bắt cá, nhặt những con ốc vú nàng, ốc đá… bám trên ghềnh đá. 


Sau một ngày rong ruổi khám phá sự hoang dã trên đảo, đêm xuống du khách ở lại đảo sẽ đốt lửa trại trên bãi Giếng, từ đó ngắm nhìn hàng vạn ngọn đèn lấp lánh trên mặt biển.
Nghĩa trang Khuê Trung thuộc được khu vực Bình Hòa 1, phường Khuê Trung, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Nghĩa trang đã được công nhận là di tích quốc gia vào ngày 4/1/1999 bởi Bộ Văn Hóa – Thông tin.

Nghĩa trang Khuê Trung được lập để tưởng nhớ các công ơn anh hùng liệt sĩ thời chống Pháp xâm lược năm 1858 thỏa theo sắc tứ vua ban để tập trung hài cốt tướng sĩ vị quốc vong thân trong cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược năm 1858.

Nghĩa trang nằm quay mặt về hướng đông, được bài thiết theo mô hình tam ban: chính diện và tả hữu. Ngay cổng vào chính diện có tấm bia bằng đá sa thạch khắc 4 chữ Hán “Hòa Vang Nghĩa Trang” cùng với năm lập bia Tự Đức Thập Cửu Niên (1866) và hai trụ đá cao khoảng 2m.

Sau tấm bia là đài chiến sĩ bằng xi-măng cao khoảng 3m. Tai trung tâm nghĩa trang có một ngôi mộ lớn, trên bia xi-măng cẩn hàng chữ “tiền triều đại tướng quí công mộ”. Có người cho rằng đây là mộ của ông Nguyễn Trọng Ân – tướng trấn giữ Đồn Tuyên Hóa (phường Hòa Cường hiện nay). Lại có người nói đó là mộ ông Lê Đình Lý, cũng là một tướng lĩnh tài ba dưới quyền chỉ huy của khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương.
Từ phía ngoài vào, gần phía cuối nghĩa trang Khuê Trung là các am thờ, các bàn hương án dùng cho việc cúng tế lễ. Hai bên tả hữu nghĩa trang có hơn 1.000 ngôi mộ. Ngay sau lưng nghĩa trang là nhà thờ Tiền Hiền và miếu Bà.
Nghĩa Trang Khuê Trung hằng năm đón tiếp rất nhiều những du khách đến viếng thăm và tưởng nhớ đến các anh hùng thời xa xưa
Design by VNCIT